Danh mục sản phẩm

Dạy trẻ tập nói đúng cách: Cùng bé phát triển ngôn ngữ toàn diện

MKT Soc
Th 3 16/03/2021

Từ khi bập bẹ hóng chuyện cho đến khi trẻ có thể biết nói một câu dài đó là cả một quá trình. Trẻ sẽ trải qua từng mốc với sự phát triển về ngôn ngữ khác nhau. Để trẻ tập nói theo đúng giai đoạn phát triển, có được vốn từ vựng tốt về sau, việc đồng hành, hướng dẫn trẻ tập nói rất quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt, giàu có vốn từ vựng về sau, mà còn có thể giúp trẻ thay đổi kịp thời trong trường hợp trẻ bị chậm nói...

Khi nào trẻ bắt đầu tập nói? 

Ngay từ khi được chào đời cho đến dưới 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã có nhiều sự giao tiếp với cha mẹ, người thân thông qua những biểu hiện cảm xúc như khóc, mỉm cười, nhăn mặt...để qua đó truyền tải thông điệp về nhu cầu, cảm xúc của trẻ với mọi người....Rồi với sự phát triển, học hỏi nhanh của trẻ, theo từng giai đoạn, kết quả của quá trình trẻ tập nói có những tiến bộ, thay đổi  rõ rệt.

  • Trẻ tập nói trong giai đoạn 3 tháng tuổi: Giai đoạn này trẻ đã có nhiều sự quan sát, lắng nghe giọng của những người tiếp xúc với bé, bé đã biết tương tác lại bằng những âm thanh rất đáng yêu và lặp đi lặp lại những âm thanh đó, như a a a, á á á...Khi đó, cũng chính là những lúc trẻ tập, giao tiếp với người chơi cùng bé
  • Giai đoạn từ 6 tháng tuổi: Sang tháng thứ 6 là giai đoạn trẻ tập nói với những âm thanh phức tạp hơn một chút, không đơn thuần chỉ là âm đơn nữa, mà trẻ có thể tập nói ra được các từ như ba-ba, ma-ma, be, bi...hay những âm tiết không thực sự có ý nghĩa, đó chỉ là cách trẻ đang giao tiếp và phản hồi lại khi nói chuyện hay vui chơi với cha mẹ, người thân

Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể “trò chuyện” bằng những âm thanh rất đáng yêu

  • Giai đoạn 9 tháng đến dưới 1 tuổi: Song hành với việc trẻ tập nói, lúc này, trẻ đã có thể hiểu được nhiều từ hơn của người lớn và học theo để nói lại một số từ đơn giản một cách khá chính xác. Ví dụ như mẹ bảo bé là con chào tạm biệt mọi người đi, bai – bai thì khi đó trẻ có thể nhắc lại là “bai” mà kèm theo vẫy tay tạm biệt giống hành động của người lớn mà bé đã quan sát được trước đó...
  • Từ 1 – 2 tuổi: Lúc này bé có thể nói được khá nhiều từ đơn, vốn từ của trẻ đã phong phú hơn rất nhiều. Trẻ cũng có thể hiểu được và phản hồi lại những yêu cầu từ cha mẹ. Đây cũng là giai đoạn trẻ tập nói rất nhanh để tăng lượng vốn từ và hoàn thiện dần cách phát âm của trẻ. Những từ đơn không dấu hoặc có dấu sắc, trẻ tập nói có thể phát âm khá chuẩn như: Cá, bố, ba, không, có, bế, bé, đi...
  • Từ 2 tuổi:  Bắt đầu từ 2 tuổi trở lên là thời điểm trẻ mở rộng vốn từ nhanh chóng. Không chỉ vậy, lúc này, trẻ sẽ dần nói được một số từ ghép rồi chuyển lên thành các cụm từ như: Mẹ ơi đi, không đâu, uống đi, vâng ạ, đi chơi, mẹ ơi bế, em bé,...Bé có thể tự tin giao tiếp với cha mẹ và bày tỏ cảm xúc, thái độ và yêu cầu của mình

Trẻ 2 tuổi trở lên có khả năng mở rộng vốn từ rất nhanh

Các dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói

Thông thường, khi trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ sẽ được phát hiện chính xác khi trẻ đi học. Tuy nhiên, nếu như được các cha mẹ để ý theo dõi, tương tác nhiều với trẻ thì cha mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu ở trong ngay giai đoạn sớm – giai đoạn mà trẻ tập nói từ những tháng đầu đời.

Một số các dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói ở các mốc cha mẹ có thể tham khảo như:

  • Khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi nhưng trẻ không có phản ứng lại với tiếng ồn, tiếng động mạnh. Trẻ không hóng chuyện hay phát ra những âm thanh đơn giản để phản hồi lại...
  • Trẻ được 7 tháng tuổi: Trẻ không có phản ứng lại với tiếng động, không tương tác lại khi cha mẹ, người thân nói chuyện với bé, không bi bô bắt chước nói theo sự hướng dẫn của mọi người
  • Giai đoạn 12 – 15 tháng: Trẻ không thể hiện được nhu cầu, mong muốn của mình qua cử chỉ (lắc đầu, gật đầu, chỉ tay, vẫy tay...), lời nói đơn giản - trẻ không nói được một từ nào, mặc dù khá đơn giản như bà, mẹ, ba...Đồng thời, trẻ cũng không quan tâm đến thế giới, mọi chuyện xung quanh

Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, vui chơi với trẻ mỗi ngày

Ngoài những biểu hiện ở các giai đoạn kể trên từ 18 tháng trở lên, nếu trẻ tập nói kém, vốn từ không tăng lên (tối thiểu một từ mới mỗi tuần), không nói được những từ ghép, cụm từ đơn giản, không tự nói được ra lời mà phải cần người lớn nói rồi nhắc lại hoàn toàn, không giao tiếp nếu không thực sự cần thiết...thì đó cũng phản ánh được tình trạng chậm nói của trẻ.

Bí quyết hướng dẫn trẻ tập nói và một số lưu ý cha mẹ cần biết

Để trẻ tập nói tốt, phát triển đúng theo giai đoạn của mình, việc đồng hành, hướng dẫn trẻ từ phía cha mẹ là rất quan trọng. Để có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bé, giúp bé phát triển mở rộng vốn từ về sau, tự tin giao tiếp, tự bày tỏ được ý muốn, nhu cầu của mình, cha mẹ nhất định cần nhớ một số lưu ý sau:

  • Cha mẹ hãy quan sát trẻ hàng ngày: Để nhận bắt nhanh nhu cầu của trẻ, tương tác nói chuyện với trẻ về nhu cầu trẻ đang mong muốn, để từ đó hướng dẫn trẻ tập nói, trao cho trẻ vốn từ. Ví dụ, khi bé giơ hay tay ra, nhổm người đó chính là lúc trẻ thể hiện muốn được bế. Lúc này, cha mẹ có thể nói rằng con muốn bố mẹ bế đúng không? Bố mẹ bế con nhé! Con lại đây rồi mẹ bế nào...
  • Trò chuyện với trẻ hàng ngày để trẻ tiếp thu dần vốn từ và khuyến khích trẻ tương tác, trẻ tập nói
  • Chỉnh sửa lại những từ mà trẻ chưa nói được đúng thành tiếng
  • Khi nói chuyện và hướng dẫn trẻ tập nói, cha mẹ hãy bắt đầu bằng những từ đơn giản/những cụm từ ngắn...
  • Tường thuật lại cho trẻ những hoạt động hay giới thiệu cho trẻ những đồ vật xung quanh bé hằng ngày để bé có thể ghi nhớ
  • Dành thời gian đọc một số truyện có nội dung đơn giản cho bé nghe
  • Nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài để trẻ có nhiều trải nghiệm

Trẻ có thêm trải nghiệm khi được tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài

Ngoài ra, nếu trong trường hợp cha mẹ đã giúp trẻ tập nói nhưng vẫn không có hiệu quả, trẻ vẫn có những dấu hiệu chậm nói thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để kiểm tra thính lực và có những tư vấn cần thiết...

Như đã chia sẻ, trẻ tập nói cần có một quá trình dài, đòi hỏi cha mẹ cần đồng hành cùng bé từ những tháng đầu đời. Tương tác, nói chuyện hàng ngày với trẻ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, bên cạnh việc giúp trẻ tập nói, tự tin giao tiếp, có vốn từ rộng về sau...mà trên tất cả, đó còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa bé với cha mẹ và những người thân. Hi vọng rằng, qua bài viết, cha mẹ sẽ có thêm được kinh nghiệm để giúp trẻ tập nói cũng như nắm được một số dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói để có những can thiệp kịp thời!

Viết bình luận của bạn

Hà Nội

Showroom : 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 024 39 335 388 / 0969 956 466

Thời gian mở cửa:

8:30 - 21:30 (Kể cả T7, CN)
article