Danh mục sản phẩm

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách giải tỏa lo lắng nhiễm trùng

MKT Soc
Th 4 03/03/2021

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tưởng đơn giản nhưng thực ra nếu bố mẹ không biết cách thì có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe của trẻ, trong đó có nhiễm trùng rốn.

Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh – Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Nhiễm trùng rốn là tình trạng nhiễm trùng ở rốn hoặc khu vực xung quanh rốn, được xem là tình trạng cấp cứu nhi khoa, bởi nếu chúng ta không phát hiện và xử trí đúng cách thì có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân và thậm chí là tử vong.

Tình trạng nhiễm trùng rốn chủ yếu xảy ra là do những sai lầm của bố mẹ trong việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như là quấn băng rốn quá kín, không vệ sinh rốn cho trẻ hàng ngày hoặc ngược lại, lại lau rửa quá nhiều lần trong ngày... cũng khiến rốn không được khô ráo, lâu rụng và dễ nhiễm khuẩn hơn.

Bên cạnh việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh không đúng cách thì nhiễm trùng rốn còn có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như trẻ sinh nhẹ cân, ối vỡ kéo dài, nhiễm trùng sau sinh, không đảm bảo vô trùng trong quá trình chuyển dạ…

Trẻ bị nhiễm trùng rốn thường có biểu hiện sốt, quấy khóc...

Để nhận biết trẻ sơ sinh có bị nhiễm trùng rốn hay không, bố mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu như: trẻ bị sốt, cuống rốn của trẻ có mùi hôi hoặc chân rốn có chảy mủ, vùng da xung quanh rốn đỏ và mềm, khi chạm nhẹ vào rốn, trẻ sẽ quấy khóc... Nếu thấy những biểu hiện bất thường này, cha mẹ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm phúc mạc, thoát vị rốn, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong nhanh chóng...

Mách mẹ chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách tại nhà

Ngay khi bé chào đời, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ. Nếu kẹp rốn bị hở hoặc rơi ra, bố mẹ phải chú ý vệ sinh khu vực rốn của bé ít nhất một ngày 1 lần bằng cách sử dụng khăn mềm lau nhẹ nhàng vùng rốn của bé.

Trong quá trình tắm rửa cho trẻ, bố mẹ hãy giữ cho cuống rốn của trẻ khô và tránh chạm vào nước. Nếu cuống rốn của trẻ bị ướt, bố mẹ hãy lau khô bằng khăn mềm. Còn trong trường hợp cuống rốn của trẻ bị bẩn bởi phân hoặc nước tiểu thì bố mẹ hãy nhẹ nhàng làm sạch bằng nước, sau đó vệ sinh lại bằng nước muối sinh lý và lau khô.

Khi mặc quần áo cho trẻ, bố mẹ nên để hở phần rốn để cho rốn mau khô, còn nếu quấn tã thì tã phải được gấp dưới rốn và không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn cho trẻ mà chỉ được sử dụng những gạc mềm đã được tiệt trùng để ngăn ngừa việc nhiễm khuẩn.

Tã phải được gấp dưới rốn để tránh chạm vào rốn, gây khó chịu cho trẻ

Nếu thấy rốn lâu rụng, bố mẹ tuyệt đối không nên tự ý tác động lên rốn như sờ, kéo hay bôi các loại thuốc, nước lá... mà hãy để cho rốn tự rụng. Trong trường hợp rốn trẻ có những bất thường hoặc trẻ sốt, quấy khóc... thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được xử lý kịp thời.

Đối với rốn đang trong quá trình khô và rụng dần thì việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giảm thiểu tối đa việc gây kích ứng cũng như nhiễm trùng cho bé, do đó, bố mẹ cần thực hiện đúng các nguyên tắc sau:

  • Chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để vệ sinh rốn cho bé bao gồm: Dung dịch sát trùng (Cồn 70 độ hoặc povidon iod 2-3%), bông, gạc vô trùng
  • Vệ sinh sạch sẽ cho người chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng

Quy trình thực hiện vệ sinh rốn cho bé: 

Một tay bố hoặc mẹ dùng gạc vô trùng để nâng dây rốn lên, đồng thời quan sát chân rốn, dây rốn cũng như mặt cắt cuống rốn và vùng da xung quanh rốn để xem có những bất thường như dịch tiết nhiều, có máu hay mủ, hoặc những vết tấy đỏ ở vùng da quanh rốn hay không...

Tiếp đến, bố mẹ dùng bông gòn vô trùng đã được tẩm dung dịch sát trùng là cồn hoặc povidon iod và lau sạch vùng da xung quanh rốn, bắt đầu từ chân rốn lên dây rốn, rồi đến vị trí kẹp rốn và làm sạch cả mặt cắt cuống rốn. Sau đó chúng ta sẽ khử trùng từ chân rốn ra vùng da xung quanh rốn. Và bước cuối cùng, bố mẹ sẽ đắp một miếng gạc vô trùng mới lên vùng rốn của trẻ và dùng băng cố định lại. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lưu ý không nên quấn băng quá chặt, ngoài ra chúng ta cũng cần thực hiện các động tác này một cách nhẹ nhàng để tránh làm cho trẻ khó chịu.

Sau khi rốn đã rụng, bố mẹ cần kiểm tra xem cuống rốn của trẻ đã liền hoàn toàn chưa và chúng ta vẫn tiếp tục vệ sinh, chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh cho đến khi chân rốn khô và không còn dịch tiết nữa.

Hy vọng với những bí kíp này, các bố các mẹ đã biết cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh một cách khoa học và phù hợp nhất, để bé yêu luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.

Viết bình luận của bạn

Hà Nội

Showroom : 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 024 39 335 388 / 0969 956 466

Thời gian mở cửa:

8:30 - 21:30 (Kể cả T7, CN)
article