Danh mục sản phẩm

Những hiểu lầm về chân cong ở trẻ sơ sinh

MKT Soc
Th 6 28/05/2021

Chân cong ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là chân vòng kiềng là một dị tật khá phổ biến. Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh còn hiểu sai về tình trạng này, dẫn đến việc điều trị và phòng ngừa cũng bị ảnh hưởng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ bị chân cong và giải pháp cho vấn đề này là gì?

Hiểu đúng về tình trạng chân cong ở trẻ sơ sinh

Sai lầm thường gặp ở các bậc cha mẹ về tình trạng chân cong ở trẻ sơ sinh là do bế con theo kiểu cắp nách, thế nhưng thực tế lại cho thấy không phải như vậy.

Trẻ bị chân cong được chia thành hai loại là chân cong sinh lý và chân cong bệnh lý. Đa phần trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong cẳng chân. Đây được gọi là hiện tượng cong chân sinh lý, là do tư thế nằm trong bụng mẹ của thai nhi gây ra. Và với hiện tượng cong chân sinh lý, mẹ không cần nắn bóp, điều trị gì mà chân trẻ sẽ tự thẳng khi trẻ được 1 tuổi.

Với tình trạng cong chân bệnh lý, hay còn gọi là chân vòng kiềng, mẹ có thể nhận biết dễ dàng bằng cách cho trẻ (từ 12 đến 24 tháng tuổi) đứng thẳng và khép hai mắt cá chân của trẻ vào nhau, khi đó chúng ta sẽ thấy chân trẻ bị cong lại, đầu gối cách xa nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị cong chân bệnh lý như tình trạng nhuyễn xương do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, còi xương, bệnh blout, u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương…

Trẻ bị cong chân bệnh lý rất dễ nhận biết

Ngoài ra, việc cho trẻ đứng và tập đi sớm khi trẻ chưa đến giai đoạn tập đi cũng dễ gây ra tình trạng chân cong bệnh lý ở trẻ hơn do xương cẳng chân của bé còn yếu, chưa đủ sức để chống đỡ lại được sức nặng của cơ thể, nhất là đối với những trẻ quá bụ bẫm hoặc bị béo phì.

Để chẩn đoán chính xác trẻ bị cong chân do đâu thì các bác sỹ sẽ phải làm một số xét nghiệm, chụp X quang, từ đó sẽ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp.

Trẻ bị chân cong cần điều trị thế nào

Rất nhiều bậc phụ huynh tự ý điều trị chân cong ở trẻ sơ sinh tại nhà bằng biện pháp nắn bóp chân cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nắn chân cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng làm thẳng chân trong trường hợp trẻ bị chân cong mà nó chỉ có tác dụng xoa bóp, massage, làm trẻ dễ chịu hơn mà thôi. Thêm nữa, nếu động tác nắn bóp chân không đúng còn có thể gây ra hiện tượng bầm tím, viêm cơ, thậm chí là trật khớp cho trẻ.

Bố mẹ không nên nắn bóp để điều trị chân cong cho trẻ

Trong trường hợp trẻ bị chân cong do di truyền, bố mẹ cần phải cho trẻ khám để can thiệp điều trị bằng các phương pháp y khoa. Với những trẻ bị chân cong do còi xương, thiếu vitamin D hoặc canxi, ngoài việc điều trị chỉnh hình, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D cho trẻ bằng chế độ ăn đa dạng, đầy đủ và cân đối, kết hợp tắm nắng cho trẻ từ 15 đến 30 phút trước 9 giờ sáng mỗi ngày.

Với những trường hợp trẻ bị chân cong cần phải can thiệp chỉnh hình thì bố mẹ cần đưa con đến các bệnh viện chỉnh hình lớn khi trẻ được 5 tuổi trở lên, để được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa và có các xử lý tốt nhất và phù hợp nhất. Dưới độ tuổi này nên để trẻ phát triển tự nhiên, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Dù trẻ bị chân cong có thể cải thiện theo thời gian nhưng các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến một số đặc điểm sau ở trẻ để có thể đưa trẻ đến gặp bác sỹ sớm, đó là:

  • Khi trẻ thấy đau và khó chịu, cường độ từ vừa phải đến nặng
  • Trẻ đi khập khiễng
  • Chỉ có một bên chân của trẻ bị cong
  • Chân trẻ bị cong hơn trong một thời gian ngắn
  • Chân trẻ bị cong khi trẻ từ 5 đến 7 tuổi

Các biện pháp phòng ngừa hiện tượng chân cong ở trẻ sơ sinh

Việc phòng tránh chân cong cho trẻ có thể được thực hiện khá đơn giản từ khi sinh ra bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và tắm nắng thường xuyên cho trẻ để bổ sung vitamin D tự nhiên. Đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ cần chú ý đến thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của trẻ sao cho phải đa dạng, đầy dủ các nhóm thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi và vitamin D như tôm, cá, thịt, trứng, sữa và các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai…

Mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng để tránh cho trẻ bị chân cong

Bên cạnh đó, mẹ cũng lưu ý tránh cho trẻ tập đi quá sớm. Trong quá trình cho trẻ tập đi cũng không nên cho bé ngồi xe tập đi quá sớm, không cho trẻ tập đi bằng phương pháp đỡ hai nách trẻ. Thời gian thích hợp cho trẻ tập đi là khi trẻ đủ 9 tháng tuổi trở đi.

Chân cong ở trẻ sơ sinh không những sẽ gây mất thẩm mỹ cho trẻ khi trưởng thành mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe khác của trẻ. Do vậy bố mẹ cần hiểu rõ về tình trạng này, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa càng sớm càng tốt để được tư vấn, can thiệp kịp thời, hiệu quả.

Viết bình luận của bạn

Hà Nội

Showroom : 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 024 39 335 388 / 0969 956 466

Thời gian mở cửa:

8:30 - 21:30 (Kể cả T7, CN)
article