Danh mục sản phẩm

Trẻ mấy tháng biết nói và cách giúp trẻ nhanh biết nói bố mẹ có thể tham khảo

MKT Soc
Th 5 15/07/2021

Trẻ bi bô cả nhà học nói – đó có lẽ là quãng thời gian tràn ngập tiếng nói, tiếng cười và niềm hạnh phúc của mỗi bậc làm cha làm mẹ. Thế nhưng, có những trẻ dù đã qua tuổi học nói vẫn chưa phát âm được tiếng nào rõ chữ, khiến bố mẹ vô cùng lo lắng, hoang mang. Vậy trẻ mấy tháng biết nói và nếu trẻ chậm nói thì bố mẹ cần làm gì?

Trẻ bao nhiêu tháng biết nói – Mốc thời gian ở các trẻ liệu có giống nhau?

Chắc hẳn bất cứ ông bố bà mẹ nào khi nuôi con cũng đều thắc mắc không biết trẻ mấy tháng biết nói, biết gọi một tiếng bố, tiếng mẹ. Nói về thời điểm chính xác thì ở mỗi trẻ là không giống nhau, nhưng thông thường, khi trẻ được 1 tuổi sẽ bắt đầu nói những từ đơn giản. Có trẻ sẽ gọi tiếng mẹ đầu tiên, có trẻ gọi bà, cũng có trẻ thì lại cất tiếng dạ, đi, măm…

Ngay từ 4-6 tháng tuổi trẻ đã có thể phát ra những âm thanh ê a, ríu rít

Để biết trẻ bao nhiêu tháng biết nói thì bố mẹ cũng cần quan tâm đến một số đặc điểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngay từ khi mới được 4 đến 6 tháng tuổi, khi nói chuyện với trẻ, mẹ đã nghe thấy những âm thanh bập bẹ, ê a, ríu rít như thể bé cũng biết đáp lại câu chuyện của người lớn. Từ 7 đến 12 tháng tuổi, bé có thể phát âm được một số từ đơn giản như bà, mẹ, ạ, đi... Từ 13 đến 18 tháng, em bé của bạn đã có thể nói được hơn 50 từ đơn. Từ 19 đến 28 tháng tuổi, ngôn ngữ của bé đã phát triển hơn rất nhiều. Bé đã có thể kết hợp 2,3 từ với nhau để tạo thành một câu ngắn

Và từ 25-36 tháng tuổi, vốn từ vựng của trẻ không ngừng được mở rộng. Nhiều bé đã có thể diễn đạt rất lưu loát, mạch lạc suy nghĩ của mình và giao tiếp dễ dàng với người lớn.  

Khi trẻ chậm nói và cách giúp trẻ nhanh biết nói dành cho bố mẹ

Hiện tượng trẻ chậm nói không còn là vấn đề lạ và hiếm trong xã hội ngày nay. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ cuộc sống hiện đại cùng với sự bùng nổ của công nghệ. Việc cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên như tivi, điện thoại, ipad... khiến trẻ bị thụ động, chỉ ngồi yên, chăm chú vào các thiết bị này mà thiếu đi sự giao tiếp với người lớn... dẫn đến hiện tượng chậm nói ở trẻ.

Trẻ chậm nói có thể do sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử thông minh

Tuy là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng chậm nói ở trẻ nhưng sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin không phải là nguyên nhân duy nhất. Đôi khi những trục trặc trong vòm miệng, như tổn thương lưỡi, hở hàm ếch, dây hàm ngắn… cũng là những nguyên nhân khiến cho trẻ chậm nói.

Trẻ chậm nói có rất nhiều dấu hiệu, bố mẹ cần quan sát và phát hiện sớm để can thiệp kịp thời

Chia sẻ về những dấu hiệu cho thấy trẻ bị chậm nói, thạc sỹ, bác sỹ Đinh Thạc, chuyên viên tham vấn nhi khoa, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết:  Trẻ được 1 tuổi rồi mà không hề bập bẹ nói lại những điều mà người lớn nói cho trẻ nghe. Khi được 18 tháng tuổi trẻ chỉ nói được những từ đơn giản, nói một cách rất ngắn gọn, đôi khi chỉ thông qua những cử chỉ, hoạt động, ví dụ như càu nhàu, khó chịu. Và lớn hơn một chút, đến 2 tuổi trẻ nói được vài từ đơn giản hoặc mất hẳn khả năng ngôn ngữ, không nói chuyện với ai được nữa. 2,5 tuổi, trẻ chỉ giao tiếp bằng từ đơn, vốn từ của trẻ rất nghèo nàn, chỉ dưới 50 từ thôi. Đến 3 tuổi, phụ huynh không thể hiểu trẻ muốn nói gì. Thì đây là những dấu hiệu gợi ý em bé có tình trạng chậm nói, phụ huynh nên phát hiện sớm để đưa trẻ đi khám, cũng như điều trị kịp thời.

Để giúp trẻ nhanh biết nói bố mẹ cần dành thời gian trò chuyện, đọc sách, chơi đùa... cùng con

Để giúp trẻ nhanh biết nói thì vai trò của gia đình, đặc biệt là của bố mẹ rất quan trọng. Nếu bé chậm nói do những nguyên nhân bệnh lý thì cha mẹ cần phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, bởi từ 2 đến 5 tuổi là giai đoạn can thiệp và trị liệu hiệu quả nhất đối với những trường hợp này.

Nếu tình trạng chậm nói của con bạn là do những nguyên nhân như trẻ phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, ít được giao lưu, tiếp xúc với người khác… thì cha mẹ có thể giúp trẻ nhanh biết nói bằng cách tăng cường nói chuyện, chơi đùa với trẻ. Mỗi ngày các bậc phụ huynh có thể dành thời gian trò chuyện với con bằng những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày, bằng những từ ngữ đơn giản để bé dần tích lũy vốn ngôn ngữ. Đối với trẻ trong giai đoạn tập nói, từ 6 -12 tháng tuổi thì chúng ta có thể đọc truyện cho trẻ, mặc dù trẻ có thể chưa hiểu nhưng trong đầu trẻ sẽ tích lũy dần vốn ngôn ngữ thì sau này sẽ phát triển tốt. Chúng ta cũng tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để dạy cho trẻ... Và một lưu ý vô cùng quan trọng là bố mẹ không nên giao khoán việc chăm trẻ cho người giúp việc, vì người giúp việc thường sẽ cho trẻ xem tivi rất nhiều, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Như vậy các bậc phụ huynh đã tìm hiểu được về mốc thời gian trẻ mấy tháng biết nói, những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói... để có thể can thiệp kịp thời, giúp trẻ phát triển đúng chuẩn, tự tin, dễ dàng hòa nhập với môi trường xã hội khi trẻ dần lớn lên. Mong rằng các bậc phụ huynh hãy không ngừng quan tâm, dành thời gian bên con mỗi ngày, cùng con phát triển khỏe mạnh và khôn lớn nhé!

Viết bình luận của bạn

Hà Nội

Showroom : 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 024 39 335 388 / 0969 956 466

Thời gian mở cửa:

8:30 - 21:30 (Kể cả T7, CN)
article