Danh mục sản phẩm

Thói quen sinh hoạt cơ bản - Giấc ngủ

BTV Soc&Brothers
Th 5 21/07/2022

Những thói quen mà bé cần có được để phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn được gọi là “Thói quen sinh hoạt cơ bản”. Đây là những thói quen bé nên được rèn luyện tốt trước khi đi học Tiểu học.

Ở bài viết trước, tôi đã chia sẻ về thói quen sinh hoạt cơ bản “Ăn uống”. Lần này tôi sẽ trình bày về “Giấc ngủ”.

1. Tại sao “ngủ sớm dậy sớm” là tốt?

Việc tắm ánh nắng ban mai giúp cho cơ thể được đánh thức và khởi động đồng hồ sinh học 24h. Hơn nữa, Hormone tăng trưởng được tiết ra khi ngủ vào ban đêm. Điều này đã được khoa học chứng minh, và ở Nhật, việc ngủ sớm dậy sớm quan trọng đến mức từ xa xưa người ta vẫn hay nói rằng “Trẻ hay ngủ thì dễ nuôi”.

Giờ đi ngủ là khoảng 20 giờ tối, dù muộn thì 21 giờ là phải đi ngủ rồi. Lý tưởng nhất là có thể thức dậy sớm từ 6 giờ - 7 giờ. Việc đi ngủ muộn sẽ khiến giảm tiết Hormone tăng trưởng, và việc dậy muộn sẽ không tốt cho đồng hồ sinh học của cơ thể. Người ta cũng chứng minh rằng bé bị thiếu ngủ kéo dài hoặc đồng hồ sinh học bị rối loạn thường ít có khả năng phán đoán, do đó khả năng tránh khỏi nguy hiểm sẽ không tốt, bị ảnh hưởng về mặt học tập, hoặc dễ bị béo phì. 

Ngủ đủ và thức dậy tỉnh táo sẽ giúp cơ thể thoải mái!!Cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần mới ổn định. Hãy để bé khởi đầu 1 ngày với tâm trạng thật tốt nào!

2. Tại sao cần ngủ trưa?

Nên ngủ trưa cho đến khi bé khoảng 3 tuổi. Mục đích là để cơ thể bé được nghỉ ngơi, có đủ thể lực cho tới buổi tối. Ngủ trưa không đủ có thể dẫn tới gia tăng cãi cọ vào buổi tối, tâm trạng khó chịu, gặp nguy hiểm do giảm khả năng chú ý...

Thời gian ngủ trưa từ 30 phút - 3 tiếng tùy theo thể lực hay nhịp độ sinh học của mỗi cá nhân. Ngoài ra, cũng có trường hợp bé không thể ngủ ngon do bé chơi chưa đủ trong buổi sáng, hoặc đang hưng phấn. Đối với các bé có thời gian ngủ quá ngắn, có lẽ sẽ tốt hơn nếu mẹ thử điều chỉnh lịch sinh hoạt trong buổi sáng của bé.

Nếu bé thức dậy ngay, mẹ nên đọc sách cho bé thư giãn, hoặc mang 1 món đồ chơi yêu thích vào chăn và dạo chơi. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng ngủ trưa là “để cơ thể nghỉ ngơi”.

3. Phương pháp để bé dễ đi vào giấc ngủ?

Các mẹ nên lập ra một “quy trình cụ thể” trước khi đi ngủ vào buổi tối.

Ví dụ như:

- Chọn 1 quyển sách Ehon, đọc ở giường ngủ cho bé nghe.

- Chọn món đồ chơi để bé mang theo lên giường ngủ (búp bê, thú nhồi bông chẳng hạn) và cùng nằm với bé.

- Cùng bé nằm trò chuyện về những việc đã làm được trong ngày hôm nay, v.v...
Đèn bật ở chế độ tối mờ một chút mẹ nhé. Mẹ cố gắng nói thấp giọng xuống, nhỏ nhỏ và chậm đều, sao cho bé nhận thấy có vẻ mẹ cũng buồn ngủ rồi. Thật tuyệt vời nếu giọng nói của mẹ trở thành bài hát ru êm đềm, giúp bé an tâm bước vào thế giới của những giấc mơ.

Thoi-quen-sinh-hoat-co-ban-giac-ngu

Nguồn Internet

4. Việc không nên làm trước khi ngủ?

Chúng ta hãy tránh việc cho bé xem điện thoại trước khi đi ngủ nhé.

Các bạn nhỏ rất yêu thích YouTube. Tuy nhiên, nếu từ điện thoại cứ liên tục đưa ra các thông tin có tính chất vui vẻ thì cơ thể không thể truyền lên não tín hiệu “đến giờ nghỉ ngơi rồi”, “Nên nghỉ ngơi thôi”.

Não có thể hoạt động tốt trong ngày là do cơ thể được nghỉ ngơi với một giấc ngủ ngon. 

Hơn nữa, việc củng cố trí nhớ diễn ra trong khi ngủ. Khi ngủ, hãy để cho bộ não đã làm việc miệt mài cả ngày được “tắt nguồn” nào. Trên giường ngủ, điện thoại là vật không cần thiết.

Tất nhiên, mẹ cũng không nên vừa xem điện thoại vừa dỗ bé ngủ nhé. Bé sẽ cảm thấy mặc dù mẹ nằm bên cạnh mình, nhưng tình cảm của mẹ không phải dành cho mình - mà là chiếc điện thoại. Các bé rất nhạy cảm, trong lòng bé chắc hẳn sẽ cảm thấy “buồn ghê” đó mẹ.

Thoi-quen-sinh-hoat-co-ban-giac-ngu
Nguồn Internet

Trong khoảng 30 phút trước khi bé ngủ chính là cơ hội để mẹ thể hiện cho bé thấy được tình yêu của mẹ.

Hãy kết thúc 1 ngày với tâm trạng bình thản, cho bé cảm nhận được hạnh phúc, mẹ nhé.

Nguồn: Tác giả: Asako Yoneda - Chuyên gia người Nhật về giáo dục nhà trẻ và mầm non.

Viết bình luận của bạn

Hà Nội

Showroom : 21 Phan Chu Trinh - 17 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 024 39 335 388 / 0969 956 466

Thời gian mở cửa:

8:30 - 21:30 (Kể cả T7, CN)
article